01/05/2020 | 900
Xu hướng diễn ra từ trước đại dịch tiếp tục được thúc đẩy
Theo Politico, hôm thứ Ba, uỷ viên thương mại EU Phil Hogan cho biết khối này sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về vấn đề thương mại sau đại dịch. Trong khi đó, tuần trước, Nhật Bản công bố chương trình hỗ trợ trị giá 2,2 tỷ USD để kêu gọi các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc. Động thái này được đưa ra sau khi giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ - Larry Kudlow, cho biết Washington sẽ bù đắp chi phí khi các công ty nước này đưa hoạt động sản xuất ra khỏi đại lục. Tuy nhiên, Mỹ hiện chưa có kế hoạch chi tiết.
Trong thời gian vừa qua, nhiều công ty Mỹ, Nhật Bản và châu Âu chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc do chi phí tăng cao và ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung. Tuy nhiên, áp lực càng tăng cao ở thời điểm hiện tại, khiến quá trình này bị đẩy nhanh, trong bối cảnh Covid-19 để lộ rõ sự phụ thuộc của thế giới đối với hàng hoá được sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt là thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Hiện tại, 70% khẩu trang được sử dụng tại Mỹ đều do Trung Quốc sản xuất, cũng như một phần đáng kể các loại thuốc.
Michael Alkire– chủ tịch nhà cung cấp vật dụng y tế Premier, đã xác định được 22 mặt hàng quần áo bảo hộ và 30 loại thuốc "có thể quan trọng đến mức cần phải được sản xuất ngay tại Mỹ", dù dịch bệnh đang ảnh hưởng nặng nề đến quốc gia này.
Đối với Trung Quốc, điều này thực sự là một vấn đề. Trong khi mối quan hệ với chính quyền ông Trump hầu như không có tiến triển, thì mối quan hệ với Nhật Bản đã rạn nứt. Do đó, việc Nhật Bản kêu gọi các công ty rời khỏi quốc gia này đã làm dấy lên những cuộc tranh luận trong giới chính trị Trung Quốc, theo Nikkei. Họ cho rằng, điều này thực sự là một thách thức nghiêm trọng trong thời gian dài.
Việc giảm sự phụ thuộc vào sản xuất dược phẩm và nguồn cung đã khiến mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế, ngoại giao và quân sự của Trung Quốc tiếp tục tăng cao. Tại Mỹ, một loạt các dự luật đã được đề xuất tại Quốc hội để thực hiện việc này.
Tháng trước, Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio đã đưa ra một dự luật, yêu cầu Mỹ giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc và được 3 thượng nghị sĩ Dân chủ hưởng ứng. Ở những ngày này, lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc là một vấn đề hiếm hoi được cả 2 đảng cùng đồng tình.
Một dự luật khác được Thượng nghị sĩ Cộng hoà Arkansas – Tom Cotton đưa ra, cấm cung cấp viện trợ liên bang cho dược phẩm Trung Quốc hoặc các loại thuốc có thành phần nhập tử Trung Quốc, bắt buộc có các quy tắc nghiêm ngặt về chi tiết xuất xứ.
Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên khi ngày càng có nhiều người bất bình về việc Trung Quốc xử lý dịch bệnh. Theo chỉ số Reshoring được công ty tư vấn Kearney công bố đầu tháng này, đại dịch đang khiến các công ty suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng hiện tại, thúc đẩy mạnh mẽ hơn xu hướng vốn đã diễn ra và từ trước chiến tranh thương mại.
Theo Kearny, các công ty không nhất thiết phải quay về Mỹ. Thay vào đó, họ đã chứng kiến bước nhảy vọt trong quá trình tìm nguồn cung mới từ Mexico, các quốc gia châu Á khác ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, đối với chuỗi cung ứng sản phẩm y tế, gần như chắc chắn chính phủ sẽ hỗ trợ để kêu gọi các công ty trở về nước.
Đưa cơ sở sản xuất về nước không phải là quá trình dễ dàng
Mats Harborn – giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe hạng nặng của Thuỵ Điển Scania tại Trung Quốc, cho biết đã có rất nhiều cuộc thảo luận về chuỗi cung ứng, về việc đa dạng hoá, nhưng không có nội dung nào nói về việc đưa hoạt động sản xuất trở lại "quê nhà".
Hơn nữa, một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải tháng này cho thấy 70% người được hỏi cho biết họ không nghĩ đến việc đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do dịch bệnh. Nhiều trong số đó muốn ở lại để khai thác thị trường tỷ dân. Trong khi đó, số khác lai gặp khó khăn trong việc rời bỏ cơ sở sản xuất và logistics chuyên nghiệp có thâm niên 30 năm. Nhiều công ty đã xây dựng nhà máy ở các nơi khác, nhưng vẫn duy trì 1 cơ sở ở Trung Quốc để kinh doanh trong nước.
Một giám đốc điều hành của nhà sản xuất thiết bị quang học tại Tokyo, cho biết tình trạng chi phí tăng cao ở Trung Quốc khiến họ không muốn duy trì hoạt động sản xuất tại đó, nhưng vẫn chưa cân nhắc nghiêm túc về chương trình đổi địa điểm. Ông nói: "Đối với các công ty như chúng tôi, đã xây dựng cơ sở sản xuất ở Trung Quốc để hưởng lợi từ chi phí lao động thấp, và đối với những người đang gặp khó khăn để tiếp cận thị trường đó, thì đây có thể là một cơ hội tốt để xem xét việc ở lại có còn hiệu quả hay không."
Tuy nhiên, Đài Loan lại là một ví dụ tiêu biểu cho việc chính phủ cực kỳ nghiêm túc về việc kêu gọi các nhà máy sản xuất rời khỏi Trung Quốc đại lục. Kể từ ngày 16/4, Đài Bắc đã cho phép 180 công ty đầu tư 25 tỷ USD để thực hiện việc này. Các công ty này đều bị ảnh hưởng bởi thương chiến và họ đã đầu tư vào Trung Quốc hơn 2 năm vừa qua trước khi quay về Đài Loan. Hiện tại, họ rất hài lòng với sự hỗ trợ của chính quyền Đài Loan trong việc đảm bảo đất đai, điện, nước, lao động, tài chính và giảm thuế.
Ngược lại, Mỹ lại có cả một chặng đường dài, bắt đầu từ việc xây dựng chương trình khuyến khích hợp lý và hấp dẫn, với trọng tâm cấp bách là ứng phó với đại dịch. 5 tuần qua, hơn 26 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, điều này khiến các bang gặp hạn chế về tài chính. Theo đó đại diện ở 1 bang từng nói rằng: "Việc tung các chương trình ưu đãi ở thời gian này - khi cuộc khủng hoảng đã tàn phá ngân sách nhà nước, không phải là một hành động hợp lý."
nguồn: cafef
Bình luận