(028) 37.206.932

info@teccogroup.vn

3 năm tới, thị trường khách sạn Tp.HCM đón khoảng 3.000 phòng mới

Trang chủ»Kinh tế - Thị trường

3 năm tới, thị trường khách sạn Tp.HCM đón khoảng 3.000 phòng mới

08/05/2020 | 781

Theo CBRE Việt Nam, trong quý 1/2020, Tp.HCM có thêm một dự án mới, nâng tổng số lượng phân khúc 4–5 sao lên 50 khách sạn với 10.945 phòng.

 

Thị trường được dự báo sẽ chào đón nguồn cung mới với khoảng 3.000 phòng từ 15 dự án trong giai đoạn 2020 – 2023. Ngành kinh doanh khách sạn hiện đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch Covid-19 và nhiều công trình khách sạn cũng phải tạm ngưng hoạt động xây dựng, do vậy việc khai trương các khách sạn mới có thể sẽ bị trì hoãn.

Theo đơn vị nghiên cứu này, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường khách lớn của Việt Nam nói chung, Tp.HCM nói riêng, vì vậy việc tạm ngưng các chuyến bay quốc tế từ các nước này trong quý vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành du lịch Tp.HCM. Trong quý 1/2020, Tp.HCM chỉ đón tiếp khoảng 1,3 triệu lượt khách quốc tế, giảm 42,3% so với cùng kỳ 2019.

Tuy dịch bệnh được kỳ vọng sẽ được kiểm soát vào quý 2, nhu cầu du lịch sẽ phải mất một khoảng thời gian để phục hồi, đặc biệt là nhu cầu du lịch đến Việt Nam từ các thị trường quốc tế. Khách du lịch nội địa và khách đi công tác lẻ sẽ là động lực thúc đẩy chính trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục này.

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, hầu hết các khách sạn trên địa bàn Tp.HCM đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong đại dịch. Giá phòng bình quân tại Tp.HCM đạt 110,3 USD trong quý/2020, giảm 12,7% so với cùng kỳ 2019 và công suất phòng chỉ ở mức 42,0%, giảm 28,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tuy các khách sạn vẫn được lấp đầy khoảng 50% vào tháng 2/2020, công suất phòng tháng 3 đã giảm mạnh 56,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019 khi các biện pháp giãn cách xã hội ngày càng được thắt chặt.

Dự báo của đơn vị này, do các chuyến bay quốc tế sẽ bị tạm ngưng đến sớm nhất là cuối tháng Năm, lượng khách nước ngoài sẽ rất hạn chế trong quý 2, trong khi nhu cầu du lịch từ khách nội địa chưa tăng mạnh. Theo đó, sự hồi phục của thị trường được dự báo diễn ra tương đối chậm và phụ thuộc nhiều vào những diễn biến trên thế giới.

Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn tháng 2 - tháng 4/2020 có thể lên đến 5,9-7,7 tỷ USD. Các khách sạn, công ty lữ hành và công ty du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn này. Nhiều khách sạn đã phải đi từ rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên, sa thải nhân viên, đến việc tạm thời đóng cửa khách sạn khi quá trình vận hành không thể mang lại mức hòa vốn tối thiểu.

Dự báo năm 2020 sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa có tiền lệ về lượng khách du lịch, dẫn đến việc suy giảm trầm trọng công suất phòng ở thị trường khách sạn. Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, nhận xét: “Những biến động lớn cũng mang đến cơ hội cho những biến đổi lớn. Đây sẽ là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những chủ đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng, giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc.

Sau giai đoạn cách ly toàn xã hội, khi thu nhập chung có xu hướng đi xuống và số chuyến bay quốc tế còn hạn chế, nhu cầu du lịch nội địa sẽ được tăng cường. Ngoài ra, khách đi công tác lẻ cũng sẽ nằm trong nhóm phục hồi sớm sau đại dịch. Khi các chuyến bay quốc tế dần được mở lại, du khách từ Đông Bắc Á dự kiến sẽ quay lại Việt Nam sớm nhất.

nguồn: cafef

Bình luận