11/04/2020 | 758
Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại các đảo, xã, phường, thị trấn ven biển, biên giới... yêu cầu cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Dự án lấn biển Vũng Tàu bị phản đối vì vị trí nhạy cảm
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình.
Nêu quan điểm về dự án luật, có ý kiến đề nghị không hạn chế quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp, đồng thời thể chế hóa Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Trong đó có chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng. Một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng Luật phải tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tránh bị lợi dụng…
Dự án nhạy cảm bủa vây Đà Nẵng
Đáng lưu ý, dự thảo luật đã bổ sung nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý hoạt động đầu tư nói chung và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài nói riêng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Cụ thể:
Một là, bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp cần thiết (như từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đình chỉ hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư...) trong trường hợp các hoạt động này có nguy cơ gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường. Trên thực tế, một số nước, khu vực (kể cả Hoa Kỳ, EU) đều đang áp dụng quy định tương tự để từ chối hoặc đình chỉ dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài trong trường hợp cần thiết vì lý do bảo đảm "an ninh quốc gia", "trật tự công".
Hai là, bổ sung quy định yêu cầu Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại các đảo, xã, phường, thị trấn ven biển, biên giới...
Ba là, bổ sung quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (gồm các điều kiện: dự án không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; bảo đảm phù hợp với quy hoạch; đáp ứng các tiêu chí, định mức về sử dụng đất đai, lao động...).
Bốn là, bổ sung chế tài xử lý (chấm dứt hoạt động đầu tư) trong trường hợp hoạt động này được thực hiện trên cơ sở giao dịch giả tạo. Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư sẽ bổ sung hành vi này để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý hoạt động "đầu tư núp bóng", "đầu tư chui".
Năm là, bổ sung yêu cầu giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong trường hợp cần thiết nhằm xác định căn cứ tính thuế nhằm góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế.
Sáu là, bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc không xem xét gia hạn hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và dự án có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động.
Nhà đầu tư ngoại ôm đất khu vực nhạy cảm núp bóng dự án
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư đã có quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư nước ngoài như: yêu cầu doanh nghiệp (trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ) phải báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư trước khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư (Khoản 5 Điều 71 Luật Đầu tư); phải thực hiện chuyển vốn thông qua tài khoản vốn mở tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 36 Luật Doanh nghiệp); phải thông báo trong trường hợp thay đổi cổ đông, thành viên của công ty (Khoản 3 Điều 32 Luật Doanh nghiệp).
Tuyết Nhi
Bình luận