21/04/2020 | 716
Xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Cao Lục vừa ký văn bản số 3006 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đối với một số vướng mắc, tồn liên quan đến việc triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng một số bộ ngành phối hợp và hướng dẫn UBND TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục...
Theo đó, trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND TP Hà Nội và ý kiến của một số bộ ngành về việc triển khai dự án, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Tài chính, Giao thông vận tải... phối hợp và hướng dẫn UBND TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, bảo đảm không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Trước đó, vào tháng 5/2019, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái tiếp công dân sau khi có khiếu nại tố cáo liên quan đến Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
Theo ông Khái, đường vành đai 1 có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm giải quyết vấn đề giao thông mà Hà Nội đang gặp phải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của người dân. Tuy nhiên, khi tiến hành quy hoạch, xây dựng, nhiều bà con chưa đồng thuận, kể cả về mặt chủ trương, điều chỉnh quy hoạch và tổ chức thực hiện.
Đối với vụ việc này, Tổng Thanh tra Chính phủ kết luận UBND TP Hà Nội cần đối thoại và công khai toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng tuyến đường Vành đai 1 với các hộ dân; giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại; giao Cục I phối hợp với Ban Tiếp công dân TƯ kiểm tra đôn đốc UBND TP Hà Nội trong việc xem xét, giải quyết và trả lời công dân.
Đường "đắt nhất hành tinh" ì ạch do vướng GPMB
Liên quan đến dự án tuyến vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội thực hiện rà soát lại toàn bộ nội dung dự án Quy hoạch sử dụng đất phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), kiểm tra hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch thành phố công khai quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới đường đỏ thuộc dự án cho cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án được biết.
Tuyến vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2km với mức đầu tư giai đoạn 1 là 7.200 tỷ đồng. Đây được xem là tuyến đường "đắt kỷ lục" do số tiền để giải phóng mặt bằng chiếm hơn 5.800 tỷ đồng.
Được biết, vào tháng 10/2018, Dự án tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) được Hà Nội chính thức phê duyệt.
Theo đó, tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục có chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1 tại các nút Giảng Võ – Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh). Điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu, điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục.
Ngoài ra dự án được đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan, gồm vỉa hè phía Nam đường Ðê La Thành tại phần dải đất giữa đường Vành đai 1 và đường Ðê La Thành đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ với diện tích khoảng 6.083m2.
So với quy hoạch trước đó, toàn bộ đoạn phố này sẽ bị giải tỏa và các hộ dân mặt đường sẽ bị lấy đất để làm bãi đỗ xe, cây xanh.
Vì vậy, ngay từ năm 2017, khi có thông tin về quy hoạch đường vành đai 1, các hộ dân trên mặt phố Đê La Thành đoạn từ ngã tư Hoàng Cầu đến ngã tư Láng Hạ – Giảng Võ đã đồng loạt gửi đơn thư khiếu nại nhiều cấp lãnh đạo và căng băng rôn với nội dung phản đối việc giải tỏa đoạn mặt phố sầm uất này để làm bãi đỗ xe, cây xanh.
Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là hơn 7.200 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng chỉ 628 tỷ đồng còn tiền giải phóng mặt bằng hơn 5.800 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2018 – 2020. Đây được xem là tuyến đường "đắt nhất hành tinh" do chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 5.800 tỷ đồng.
Để làm được tuyến đường này, sẽ có khoảng 2.328 hộ dân phải di dời, trong đó quận Ðống Ða 808 hộ, Ba Ðình 1.520 hộ; nhu cầu tái định cư khoảng 2.239 căn hộ.
Ban đầu, dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2018, nhưng do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên tiến độ khởi công dự kiến lùi sang quý II/2019.
nguồn: cafef
Bình luận